Triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW và Quyết định 150/QĐ-TTg về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

17:50, Thứ Năm, 8-9-2022

(Web Quảng Trị) Ngày 8/9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai, quán triệt Nghị quyết số 19/NQ-TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 150/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự tại điểm cầu Quảng Trị có đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan.

Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định rõ nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba nhân tố có quan hệ mật thiết, gắn bó không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế.

Nghị quyết đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020.

Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao; nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn; nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị...

Quyết định 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu chung: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính; xác định rõ 41 chương trình, đề án trọng tâm, ưu tiên và cơ chế huy động các nguồn lực thực hiện để xây dựng và phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Tại Hội nghị, các ngành, địa phương tham gia thảo luận, góp ý và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã phân tích rõ hơn về đặc điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay và mục tiêu, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Quá trình thực hiện cần áp dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng cần áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững; phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng; liên kết chặt chẽ ngành nông nghiệp với các ngành, lĩnh vực khác.

Cải thiện nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động trong nông nghiệp; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; giáo dục, hướng nghiệp nông nghiệp cho thế hệ trẻ; tiếp cận xu thế thay đổi không ngừng của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những dư địa tăng trưởng mới, những giá trị phát triển mới phù hợp với điều kiện đặc điểm Việt Nam...

Tiến Nhất

Các tin khác