UBND tỉnh làm việc với Công ty cổ phần bia Hà Nội - Quảng Trị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh

8:1, Thứ Bảy, 17-9-2022

(Web Quảng Trị) Ngày 16/9/2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với các ngành chức năng nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần bia Hà Nội – Quảng Trị.

Nhà máy sản xuất bia của Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Quảng Trị vận hành thương mại từ cuối năm 2014 với công suất khoảng 12 - 15 triệu lít/năm, tạo việc làm ổn định cho 60 – 90 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

8 tháng đầu năm 2022, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của Công ty cổ phần bia Hà Nội – Quảng Trị đạt 65,1% so với kế hoạch năm, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên sản lượng sản phẩm tiêu thụ lại không đáng kể.

Tổng doanh thu thuần 8 tháng của Công ty hơn 102 tỷ đồng, tăng 13,16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 61,1% kế hoạch năm. Hiện Công ty đã nộp ngân sách nhà nước 73,3 tỷ đồng, dự kiến hết năm sẽ nộp khoảng 140 tỷ đồng.

Quá trình hoạt động, Công ty cổ phần bia Hà Nội – Quảng Trị gặp phải các khó khăn làm giảm sản lượng tiêu thụ thời gian gần đây: Thị trường chung giảm sút dẫn đến sản lượng sản xuất giảm trong khi đó chi phí nguyên vật liệu đầu vào lại tăng cao làm cho giá thành sản xuất tăng; sản lượng tiêu thụ tại tỉnh của Công ty rất ít, tổng sản lượng Habeco chỉ chiếm 3,5% thị phần tại Quảng Trị. Toàn bộ sản lượng sản xuất của Công ty phải điều phối vận chuyển đến các thị trường khác, dẫn đến chi phí vận chuyển cao, giảm tính cạnh tranh…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đánh giá cao Công ty cổ phần bia Hà Nội - Quảng Trị đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất tại Quảng Trị, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.

Để gỡ khó cho những khó khăn Công ty gặp phải, tiếp tục đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu thụ trong thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh luôn có cơ chế hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và người dân.

Về phía doanh nghiệp, cần tính toán các phương án marketing, quảng cáo tạo đầu ra cho sản phẩm, nghiên cứu bổ sung các nhà phân phối, đại lý cấp huyện trên địa bàn tỉnh để có sự cạnh tranh; có chính sách hợp lý đối với các nhà phân phối, đại lý để tăng cường hơn nữa đưa sản phẩm đến thị trường nông thôn, miền núi; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, chất lượng trên các phương tiện truyền thông, cũng như công tác tiếp thị, quảng bá, tăng cường nhận diện thương hiệu sản phẩm tại các hội nghị, hội thảo, xúc tiến thương mại...

UBND tỉnh giao Sở Công thương, Ban Quản lý các Khu Kinh tế tỉnh tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đề xuất các giải pháp hỗ trợ Công ty tháo gỡ các khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp ngân sách cho địa phương trong những năm tiếp theo.

Tiến Nhất

Các tin khác