HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh

15:58, Thứ Ba, 16-5-2023

(Web Quảng Trị) Ngày 16/5/2023, đoàn giám sát HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và triển khai thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2022. Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng.

Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên 470.123 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng 285.878,0 ha, chiếm 60,8% diện tích toàn tỉnh. Tỷ lệ độ che phủ rừng tính đến hiện tại đạt 49,9%. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được xác lập theo chức năng, gồm 3 loại: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Từ 2017 đến nay, toàn tỉnh đã giao 9.118,1 ha rừng (trong đó, hộ gia đình: 1.188,9 ha; Cộng đồng: 7.929,20 ha), cho thuê rừng cho tổ chức kinh tế: 100,1 ha.

Có 99 dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích là 2.427,22 ha, chủ yếu là rừng trồng. Trong đó, 53 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích là 754,25 ha, 46 dự án còn lại đang xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Giai đoạn 2017-2022, diện tích trồng rừng tập trung đạt 56.079,86 ha; toàn tỉnh đã trồng được khoảng 16,4 triệu cây phân tán các loại, bình quân mỗi năm trồng từ 2,5 – 3,1 triệu cây. Hàng năm, tỉnh trồng rừng mới và trồng lại rừng sau khai thác khoảng 7.200 -12.500 ha. Tổng sản lượng gỗ rừng trồng khai thác trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đạt khoảng 900.000 - 1.000.000 m3/năm.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và triển khai thực hiện trồng rừng thay thế vẫn còn gặp phải một số hạn chế: Một số dự án đầu tư tại phần diện tích đất quy hoạch ba loại rừng, trên diện tích đất lâm nghiệp bàn giao về địa phương để cấp đất cho người dân sản xuất hoặc chồng chéo với các loại quy hoạch khác; Phương án chuyển đổi đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất (Phương án 3359) triển khai chậm; Tình trạng cháy rừng, khai thác rừng trái phép vẫn còn xảy ra; Một số chỉ tiêu về phát triển rừng như khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ không đạt chỉ tiêu của Nghị quyết 19/2012/NQ-HĐND đề ra…

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kiến nghị với đoàn giám sát HĐND tỉnh các nội dung: Ban hành Nghị quyết riêng để phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế kỹ thuật mạnh của tỉnh, quan tâm công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế bằng những chính sách đặc thù của địa phương, hàng năm hỗ trợ kịp thời kinh phí cho công tác phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là các chủ rừng, cộng đồng, hộ gia đình đã được nhà nước giao quản lý rừng tự nhiên.

Đối với rừng trồng sản xuất của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt và mời các chuyên gia vào đánh giá và cấp chứng chỉ rừng, góp phần tăng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ trên địa bàn tỉnh, tạo vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho công nghiệp chế biến xuất khẩu. Đối với các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng tổ chức rà soát diện tích đất chưa có rừng quy hoạch đặc dụng, phòng hộ do mình quản lý để đề xuất với cấp trên bố trí kinh phí thực hiện trồng rừng thay thế trong thời gian đến.

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến đánh giá cao công tác quản lý chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở, ngành công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Mặc dù còn gặp phải nhiều khó khăn do lực lượng bảo vệ rừng còn khá mỏng, trang thiết bị hỗ trợ còn hạn chế trong khi địa hình rừng còn phức tạp… nhưng tỷ lệ độ che phủ rừng đảm bảo yêu cầu, kinh tế rừng có đóng góp ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng nêu rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được thì qua giám sát cần thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc, bất cập để tỉnh có điều chỉnh; đồng thời, kiến nghị với các bộ, ngành trung ương sửa đổi quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm thực hiện tốt hơn công tác trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Bên cạnh đó, các Sở ngành địa phương cần thực hiện tốt công tác phối hợp, chủ động thực hiện các nhiệm vụ mà ngành được giao, thực hiện hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Tiến Nhất

Các tin khác