Giám sát thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội

12:40, Thứ Bảy, 13-1-2024

(Cổng TTĐT) Ngày 12/01/2024, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh tỉnh gồm: Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng; Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Đại tá Nguyễn Hữu Đàn; Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh có buổi làm việc với UBND tỉnh giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến.

Thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 8/4/2022 về phục hồi phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2023 đã quy định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương thực hiện.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 7,07%, năm 2023 đạt 6,68%; GRDP năm 2022 bình quân đầu người đạt 62,75 triệu đồng, năm 2023 đạt 70,97 triệu đồng. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022-2023 tăng trung bình 3-3,5%. Thu ngân sách cơ bản các năm đạt dự toán Trung ương giao.

Các chương trình trọng tâm và dự án động lực đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương và tạo được sự chuyển biến tích cực. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.

Trong 2 năm 2022 - 2023, đối với giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, cụ thể đã giảm cho các hộ, cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp hơn 294 tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu mỡ nhờn hơn 490 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước khoảng 16,8 tỷ đồng; giảm lệ phí trước bạ gần 87 tỷ đồng; giảm một số loại phí, lệ phí hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 hơn 10 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương 2023 của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế với tổng số vốn 161 tỷ đồng để thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế tỉnh và Dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 9 Trung tâm y tế tuyến huyện và 7 Trung tâm y tế tuyến xã. Bố trí 230 tỷ đồng thực hiện dự án Đường tránh phía Đông TP.Đông Hà (đoạn từ nút giao đường Nguyễn Hoàng đến Nam cầu Sông Hiếu)…

Về tín dụng hỗ trợ an sinh xã hội, lao động, việc làm, dư nợ đạt 696 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Hỗ trợ 380 người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, với số tiền 567 triệu đồng; hỗ trợ 7 lao động quay trở lại thị trường lao động 13 triệu đồng. Thông qua ngân hàng chính sách xã hội đã hỗ trợ lãi suất hơn 69.100 món vay với số tiền tiền lãi được hỗ trợ 38,09 tỷ đồng…

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho các địa phương phát triển trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm hỗ trợ trong triển khai các chính sách, chương trình, dự án thuộc lĩnh vực y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn.

Điều chỉnh đối tượng, điều kiện tiếp cận chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tạo điều kiện cho khách hàng trong trường hợp tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất theo tinh thần Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Nếu không tiếp tục duy trì Nghị định 31, đề nghị điều chuyển nguồn vốn này sang thực hiện các nhiệm vụ chi khác có khả năng hấp thụ tốt hơn như ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đề nghị Bộ Tài chính quan tâm, xem xét tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh 250 tỷ đồng bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương...

Phát biểu kết luận, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng đánh giá cao UBND tỉnh đã tích cực chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 43 đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Đồng thời lưu ý, cần tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện các nguồn vốn vay ưu đãi, để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận của doanh nghiệp, người dân. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án được hỗ trợ theo Nghị quyết 43 đảm bảo chất lượng, kịp thời đưa vào sử dụng.

Đối với các đề xuất, kiến nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Tiến Nhất

Các tin khác