Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024

16:51, Thứ Sáu, 2-2-2024

(Cổng TTĐT) Ngày 2/2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới". Đồng chủ trì diễn đàn còn có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) Lê Minh Khái.

Tham dự tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2023, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…

Trong đó, từ năm 2013-2021 có hơn 362.000 lượt cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng; có hơn 2.600 HTX nông nghiệp được hỗ trợ xúc tiến thương mại với số tiền khoảng 255 tỷ đồng; giai đoạn 2013-2020, cả nước đã hỗ trợ hơn 5.800 HTX ứng dụng, chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí khoảng 268 tỷ đồng; doanh số cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX trong giai đoạn 2013-2021 đạt khoảng 50.800 tỷ đồng…

Tại tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 1.981 Tổ hợp tác với 23.910 thành viên; có 344 HTX, Liên hiệp HTX với 82.256 thành viên. Hoạt động của phong trào kinh tế tập thể, HTX phát triển có nhiều khởi sắc, hoạt động đa dạng về ngành nghề, có nhiều mô hình mới, ứng dụng công nghệ cao, liên doanh liên kết hiệu quả, lợi ích mang lại cho thành viên ngày càng được nâng cao.

Nguồn lực hỗ trợ cho các HTX được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ. Các chủ trương, chính sách của Đảng được cụ thể hóa bằng các Chương trình, Kế hoạch, Nghị quyết qua đó tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách về hỗ trợ kinh tế tập thể.

Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận và kiến nghị về tình hình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác, HTX; kiến nghị của cộng đồng HTX về việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước; chính sách hỗ trợ quỹ tín dụng nhân dân; chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn, thuế cho HTX thuận lợi trong hoạt động; thực trạng triển khai cơ chế, chính sách và đề xuất nội dung hoàn thiện chính sách hỗ trợ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng, sự chủ động của khu vực kinh tế tập thể, HTX, qua đó đã dành được nhiều kết quả khả quan. Đồng thời chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế còn gặp phải như sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tỷ trọng còn thấp trong cơ cấu nền kinh tế...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới cần thay đổi trong nhận thức, đổi mới tư duy, cần có tầm nhìn chiến lược thực hiện tổng quát hơn. Xác định phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, cần tập trung huy động các nguồn lực để tạo động lực phát triển cho khu vực này. Phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới là yêu cầu tất yếu, lâu dài.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần có các bước tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; cần sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật HTX năm 2023; xây dựng các chính sách hỗ trợ HTX, kinh tế tập thể đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng, dân chủ giữa các HTX, tạo cơ hội, động lực cho các HTX tự lực vươn lên. Các tỉnh, thành phố cần ban hành chính sách đặc thù, dành nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể, HTX; tập trung hỗ trợ hạ tầng cho các HTX; nâng cao vai trò của các tổ chức nòng cốt, làm cầu nối cho các HTX phát triển, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các HTX…

Tiến Nhất

Các tin khác