Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng: Quy hoạch cần ưu tiên cho không gian phát triển hơn là những con số quá cụ thể

16:44, Chủ Nhật, 8-1-2023

(Web Quảng Trị) Ngày 7/1/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp Quốc hội thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tổng thể quốc gia).

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng bày tỏ nhất trí với sự cần thiết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp này.

Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến về một số vấn đề cụ thể:

Thứ nhất, hồ sơ Quy hoạch có đề cập hai kịch bản tăng trưởng. Kịch bản thấp với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, 6,5%/năm giai đoạn 2031-2050 (đạt ngưỡng thấp nhất là nước có thu nhập cao vào năm 2045).

Kịch bản phấn đấu với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng đạt 7,2%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

Nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao thì rõ ràng cần chọn phương án tăng trưởng cao.

Nhưng, nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến  kinh tế - xã hội thời gian qua thì phương án đó e rằng tính khả thi không cao. Với quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia thì cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh. Vậy nên chăng quy hoạch không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển, hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Nếu vẫn giữ các chỉ tiêu cụ thể ở kịch bản tăng trưởng cao thì cần làm rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra được những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu đó.

Việc đánh giá tính khả thi của các mục tiêu cụ thể cần dự báo bối cảnh thế giới và trong nước sẽ tác động đến việc thực hiện các kịch bản nói trên như thế nào. Do đây là thời kỳ dài, có nhiều yếu tố bất định, khó lường như: chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, công nghệ và mô hình kinh doanh mới... sẽ là những yếu tố đầu vào then chốt tác động đến các biến số của các kịch bản.

Tương tự, các mục tiêu về mức thu nhập trung bình vào các mốc 2030, 2050 cũng cần được tính toán rất kỹ. Đại biểu nhấn mạnh quan điểm nên chăng Quy hoạch cần ưu tiên cho không gian phát triển hơn là những con số quá cụ thể.

Vấn đề khác ở Quy hoạch cũng được quan tâm ở phiên thảo luận tổ là liên kết vùng và rộng hơn là liên kết khu vực.

Từ vị trí của Quảng Trị, đại biểu đặc biệt quan tâm tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, là tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và trong tương lai sẽ kết nối chặt chẽ hơn nữa với khu vực Vân Nam, Trung Quốc.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch phát triển theo Hành lang kinh tế này, coi nó là một mắt xích chính yếu trong việc đón đầu xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam nằm ở điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông – Tây, chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh Quảng Trị, Huế và thành phố Đà Nẵng, giữ vị trí “đắc địa” khi kết nối các nền kinh tế Ấn Độ và Nam Á tới Tiểu vùng Mê Kông, kết nối qua Biển Đông tới các nền kinh tế ASEAN “biển đảo” và các nước khác; góp phần tạo ra những “đại lộ” kinh tế, thương mại nằm ngoài các hành lang, tuyến đường được tạo nên bởi các sáng kiến hợp tác như Hợp tác Mê Kông - Lan Thương, ...

Trong Dự thảo, Quy hoạch cũng đã nêu định hướng bố trí phát triển theo hành lang kinh tế Đông – Tây, trục Hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng. Tuy nhiên, định hướng phát triển cần nhìn rộng hơn và xa hơn, không chỉ nằm ở việc tận dụng lợi thế cửa ngõ ra biển của Thái Lan và Lào mà cần tận dụng lợi thế của hành lang kinh tế này, với vai trò là con đường huyết mạch nối liền với không gian kinh tế sông Hằng (Ấn Độ), mở rộng giao lưu kinh tế giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; kết nối giữa thị trường Trung Quốc và khu vực ASEAN, qua đó giúp Việt Nam: (i) tiếp cận gần hơn nữa với các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng, phục vụ cho các ngành sản xuất; (ii) thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện mở cửa cho hàng hóa của các địa phương và các nước nằm dọc hành lang này thâm nhập các thị trường đầy tiềm năng của Nam Á, Đông Á và châu Âu; và (iii) thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ ngoài khu vực thông qua việc kết nối với các thị trường quốc tế và với khu vực Đông Á, góp phần rút ngắn khoảng cách và chi phí logistics cho việc giao thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Hiện nay, Việt Nam đã thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài vào các tuyến đường bộ thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây và các cảng biển để phát triển các hệ thống kho vận, cảng cụm công nghiệp hiện đại, có quy mô lớn, như Khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng - Sơn Dương, Dung Quất... trên trục kết nối Đông - Tây. Đây là nền tảng thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu; là cơ sở để tối ưu hóa chi phí vận tải và giảm thiểu chi phí logistics trong bối cảnh vai trò “nhà phân phối và logistics” của Việt Nam còn mờ nhạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh hậu Covid, bất ổn địa chính trị và các yếu tố bất định khác gia tăng, xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu càng trở nên rõ nét, việc qui hoạch phát triển theo Hành lang kinh tế Đông - Tây có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, một động lực quan trọng để phát triển kinh tế trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Đại biểu cũng cho rằng: việc mới, việc khó chưa có tiền lệ chắc chắn không thể cầu toàn. Ở phiên thảo luận tổ thì nhiều vị đại biểu băn khoăn về mức độ chi tiết của Quy hoạch này đến đâu để đảm nhận được vai trò nền tảng, dẫn dắt các quy hoạch cấp dưới nhưng không bó chân bó tay khi thực hiện. Bộ trrưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nói đây là vấn đề lớn nhất của Quy hoạch này.

Trong bối cảnh chỉ để đọc hết hồ sơ quy hoạch cũng không đủ thời gian thì để góp một nhỏ phần trả lời câu hỏi này cũng là quá khó, mặt khác bối cảnh từ năm 2021 đến nay cho thấy không chỉ có dịch bệnh mà tình hình thế giới cũng đầy bất định, vì thế để đảm bảo tính khả thi cao hơn thì quy hoạch tổng thể này không cần quá nhiều các con số chi tiết như GDP, thu nhập bình quân đầu người... mà cần đạt được tính khái quát cao hơn, ưu tiên hơn cho mục tiêu không gian phát triển quốc gia được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, như quan điểm đã được nêu  tại dự thảo nghị quyết.

Được biết, Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp ngày 9/1.

Tiến Nhất

Các tin khác