UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với các ngành về các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh

22:2, Thứ Hai, 27-11-2023

(Cổng TTĐT) Sáng ngày 10/11/2023, đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã chủ trì buổi làm việc với các ngành, đơn vị, địa phương về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trên địa bàn tỉnh.

CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, Chương trình đã tạo được nguồn lực to lớn phục vụ cho mục tiêu thống nhất về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện được nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người dân về cơ sở hạ tầng, cải thiện các điều kiện sinh hoạt thiết yếu, chuyển đổi nghề, nâng cấp điều kiện sinh hoạt văn hóa. Tăng cường hơn ý thức tự chủ của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với sự phát triển của cộng đồng.

CTMTQG giảm nghèo bền vững đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức triển khai hiệu quả, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp người nghèo, hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Chương trình được thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ, đến việc phân bổ vốn, có sự kiểm tra giám sát, phản biện.

CTMTQG Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cơ bản đạt được lộ trình của tỉnh đề ra, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Hoạt động thông tin, tuyên truyền tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của các bộ các cấp và người dân. Phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đi vào cuộc sống, thu hút được người dân và cộng đồng tham gia vào xây dựng nông thôn mới, nhất là những vấn đề thiết thực, tác động trực tiếp đến cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt ở nông thôn.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung cho biết, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Trung ương bố trí năm 2022 đến 31/1/2023 đã giải ngân 32.197 triệu đồng/150.630 triệu đồng, đạt tỷ lệ 21,4%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 được phép kéo dài qua năm 2023 đến ngày 31/10/2023: Giải ngân 83.370 triệu đồng/118.433 triệu đồng, đạt tỷ lệ 70,4%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 đến ngày 31/10/2023: Giải ngân 94.684 triệu đồng/192.739 triệu đồng, đạt tỷ lệ 49,1%.

Về CTMTQG giảm nghèo bền vững, kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 đến ngày 31/01/2023: Giải ngân 47.744 triệu đồng/123.622 triệu đồng, đạt tỷ lệ 38,6%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 được phép kéo dài qua năm 2023 đến ngày 31/10/2023: Giải ngân 62.003 triệu đồng/75.878 triệu đồng, đạt tỷ lệ 81,7%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 đến ngày 31/10/2023: Giải ngân 58.497 triệu đồng/79.518 triệu đồng, đạt tỷ lệ 73,6%

Kế hoạch vốn CTMTQG Xây dựng nông thôn mới ngân sách trung ương năm 2022 đến ngày 31/01/2023: Giải ngân 92.993 triệu đồng/141.240 triệu đồng, đạt tỷ lệ 65,8%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 được phép kéo dài qua năm 2023 đến ngày 31/10/2023: Giải ngân 40.112 triệu đồng/48.247 triệu đồng, đạt tỷ lệ 83,1%. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 đến ngày 31/10/2023: Giải ngân 61.615 triệu đồng/95.860 triệu đồng, đạt tỷ lệ 64,3%. Nguồn vốn sự nghiệp thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn bố trí năm 2023 và kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thực hiện trong năm 2023 đến ngày 07/11/2023 là 8.495 triệu đồng/32.722 triệu đồng, đạt tỷ lệ 26%.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở, các địa phương đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục về đất đai để đảm bảo đủ điều kiện cấp đất và hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thuộc dự án. Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế đối với các hộ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn như việc hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn thông qua vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi đặc biệt, tuy nhiên hiện nay chưa có cơ chế ủy thác vốn sang ngân hàng chính sách xã hội để cho vay và các quy định về định mức cho vay, lãi suất, thời gian trả nợ. Chưa có sự thống nhất về đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề giữa các văn bản của Trung ương.

Về CTMTQG Xây dựng nông thôn mới Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nâng cao cả về chất và lượng, nhiều chỉ tiêu khó thực hiện, cần nhiều nguồn lực, thời gian để hoàn thiện như các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 phần lớn là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện cần nhiều nguồn lực và thời gian đầu tư dài. Về đối tượng đào tạo nghề, chưa có sự thống nhất về đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề giữa các văn bản của Trung ương…

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan đã nêu  kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để thống nhất về đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề; xác định đối tượng người lao động có thu nhập thấp; tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị phổ biến, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương nhằm thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ các trường hợp vướng mắc về thủ tục đất đai trong việc thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở thuộc dự án CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời nắm bắt, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung, dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thuộc các CTMTQG.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh: việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh cũng như các địa phương.

Trong năm 2023, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương đã quyết liệt trong công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, hệ thống văn bản và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn các chương trình. Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp, chưa đáp ứng tiến độ đề ra.

Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, đặc biệt là lồng ghép giữa các CTMTQG, gắn với công tác đỡ đầu của các sở, ban, ngành, Doanh nghiệp để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách vùng miền.

Đối với các kiến nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo các CTMTQG) chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp các nội dung kiến nghị để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ, ngành Trung ương xem xét sớm có hướng dẫn giải quyết.

Giao các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương tập trung chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết để hoàn thành mục tiêu của các chương trình theo Kế hoạch thực hiện các CTMTQG năm 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Phạm Mỹ Hạnh

Các tin khác