Đại biểu Hà Sỹ Đồng góp ý 5 nội dung quan trọng về dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi

22:16, Thứ Năm, 23-11-2023

(Cổng TTĐT) Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi.

Tham gia góp ý, ĐBQH Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, thực tiễn trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém đã phát sinh những trường hợp đặc thù chưa có quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến can thiệp sớm, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận xét, Dự thảo Luật sửa đổi quy định can thiệp sớm tương tự như ở Luật hiện hành, nhưng có bổ sung thêm một số trường hợp. Như, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán (theo quy định tại Luật hiện hành thì trường hợp này phải kiểm soát đặc biệt).

Tuy nhiên, các quy định tại Dự thảo chủ yếu xử lý tình trạng tổ chức tín dụng đã gặp khó khăn rất rõ ràng, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống cần phải được hỗ trợ, mà chưa thể hiện đúng bản chất của can thiệp sớm.

Cụ thể, đại biểu nêu quy định tại Điều 156, trong các trường hợp áp dụng can thiệp sớm, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, có 4 dạng tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài. Gồm: không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 6 tháng liên tục; số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như trường hợp Ngân hàng SCB); có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cần rà soát và làm rõ nội hàm của việc “can thiệp sớm” để đề xuất những quy định tương ứng phù hợp, như các dấu hiệu, biện pháp can thiệp sớm và trách nhiệm của các bên liên quan, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

Việc “can thiệp sớm” theo đại biểu cần được thực hiện ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo vi phạm trong quản trị, điều hành ngân hàng, vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định nhưng không quá dài.

Nhưng theo quy định tại Dự thảo Luật, thời gian để thực hiện quy trình thủ tục can thiệp sớm tại một số trường hợp còn khá dài. Điều này dễ gây tổn hại đến sự lành mạnh trong hoạt động của tổ chức tín dụng hoặc gây nguy hại đến lợi ích của người gửi tiền hoặc khiến tổ chức tín dụng bị đánh giá là có khả năng gặp khó khăn về thanh khoản, khó khăn đối với các nghĩa vụ tài chính hoặc đang bộc lộ những rủi ro tiềm ẩn...

Về các biện pháp áp dụng khi can thiệp sớm, đại biểu đề nghị cần rà soát, chỉnh sửa đồng bộ các biện pháp, bảo đảm nguyên tắc tăng cường trách nhiệm của Tổ chức tín dụng, của cổ đông lớn, thành viên góp vốn, của chủ sở hữu của Tổ chức tín dụng ngay từ sớm, giảm thiểu sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong giai đoạn này.

Về biện pháp xử lý trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ Tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của ngân hàng Nhà nước để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực hỗ trợ.

Việc đề xuất về các khoản cho vay đặc biệt, đại biểu đề nghị cần hết sức cân nhắc vì sẽ làm gia tăng hệ lụy đến kinh tế vĩ mô do phải sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp nguồn lực lớn của Nhà nước cho các Tổ chức tín dụng.

Theo quy định của Luật hiện hành, một số Tổ chức tín dụng yếu kém hiện nay đã đủ điều kiện đặt vào kiểm soát đặc biệt, nhưng nếu áp dụng theo quy định tại Dự thảo Luật thì sẽ không thuộc diện này mà chỉ được can thiệp sớm, có thể gây rủi ro lớn hơn đến sự an toàn của hệ thống Tổ chức tín dụng; tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng lớn tới điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, tình trạng tài chính của các tổ chức tham gia hỗ trợ.

Tiến Nhất

Các tin khác