Hội thảo khoa học “Hệ thống di tích Chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong-Những giá trị lịch sử, văn hoá và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản”

7:53, Thứ Năm, 23-11-2023

(Cổng TTĐT) Ngày 22/11, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Triệu Phong phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong - Những giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 465 năm Đoan quận công Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong (1558 – 2023) và tưởng niệm 410 năm Ngày mất của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (20/7/1613 – 20/7/2023).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam PGS.TS Đỗ Bang; các nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh tham dự hội thảo.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Từ đây, ông bắt đầu đứng chân trên vùng đất Ái Tử - Trà Bát thuộc huyện Vũ Xương, châu Thuận, nay là xã Triệu Ái và Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trong 68 năm, kể từ 1558 đến năm 1626, Chúa Nguyễn Hoàng đã 3 lần dựng đặt thủ phủ/dinh phủ/dinh trấn của mình tại 3 địa điểm trên đất Ái Tử - Trà Bát.

Những sự kiện trong giai đoạn lịch sử này đã đánh dấu mốc hết sức quan trọng trong quá trình Nam tiến và khai phá xứ Đàng Trong của người Việt. Chúa Nguyễn Hoàng và các thế hệ Chúa Nguyễn tiếp nối đã hoàn thành công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi, hình thành nên một nước Việt Nam rộng lớn, bao gồm cả đất liền, hải đảo (có cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

PGS- Tiến sĩ Đỗ Bang phát biểu tại hội thảo

Tiếp tục phát huy kết quả hội thảo cấp quốc gia “Quảng Trị-đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” năm 2013, hội thảo lần này tiếp tục làm rõ hơn giá trị lịch sử, văn hoá của Hệ thống di tích Chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong và những định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản; tôn vinh, tri ân công lao to lớn của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong quá trình dựng nghiệp và mở cõi xứ Đàng Trong. Qua Hội thảo góp phần củng cố, hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc Lập đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Trước đó, năm 2018, di tích “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn  (1558-1626) ở các xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia.

Hội thảo nhận được hơn 40 bài nghiên cứu, tham luận, trao đổi trực tiếp, đóng góp định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản cũng như tham gia Đồ án quy hoạch các di tích dinh chúa Nguyễn của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đại biểu tâm huyết, giúp huyện Triệu Phong có những cơ sở vững chắc để định hướng trong quy hoạch và đầu tư các công trình tưởng niệm, tôn vinh, tri ân các chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong.

Tiến sĩ Nguyễn Bình - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Quảng Trị phát biểu tham luận tại hội thảo

Các tham luận khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng cũng như tầm vóc, vai trò, vị trí của các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong đối với sự nghiệp mở cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn để hình thành lãnh thổ, lãnh hải (gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) Việt Nam như ngày hôm nay.

Hầu hết các ý kiến đều nhận định, các địa điểm trong khoanh vùng bảo vệ di tích hiện không có công trình, dấu tích, dấu vết trên mặt đất, chủ yếu là đất canh tác, đất thổ cư và đất nghĩa địa của địa phương. Các yếu tố mang thuộc tính gốc của di tích đa phần là các địa điểm lưu niệm lịch sử hay địa danh trong tiềm thức của người dân hoặc tồn tại dưới dạng những dữ liệu khảo cổ tiềm ẩn trong lòng đất.

Để định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di sản các địa điểm dinh chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong, các ý kiến đề xuất nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, tôn tạo di tích phù hợp với quy mô khoanh vùng bảo vệ, vừa đảm bảo yếu tố gốc của di tích, vừa kết hợp xây mới các công trình tưởng niệm, tri ân, phục vụ phát huy giá trị di sản trong tương lai…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đánh giá cao huyện Triệu Phong thời gian qua đã quan tâm, chủ động mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về huyện tham gia khảo sát, khảo cổ một số địa điểm liên quan đến các lỵ sở chúa Nguyễn; thực hiện công tác lập nhiệm vụ quy hoạch.

Đặc biệt là phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học này nhằm tranh thủ sự tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu phục vụ công tác lập Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn” tại huyện Triệu Phong để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố vào dịp kỷ niệm 465 năm Đoan quận công Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam phát biểu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cũng đánh giá cao đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã có những góc nhìn đa chiều về thực trạng di tích, tham khảo kinh nghiệm các di tích trong nước để đề xuất công tác bảo quản, tu bổ di tích trên cơ sở định hướng phân vùng bảo vệ vùng lõi, phát huy vùng đệm, kết nối với vùng ngoại biên, lan toả, đã định hình được các không gian lễ hội, tôn vinh, tri ân; không gian tưởng niệm và khu vực phụ cận, với những công trình cụ thể tương ứng với từng địa điểm di tích trong quần thể di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong.

Đồng thời, đề nghị UBND huyện Triệu Phong tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tham gia tại hội thảo, xem xét bổ sung vào Đồ án quy hoạch, đảm bảo chất lượng, có tính thực tiễn cao, phù hợp với tình hình của địa phương để sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sau hội thảo khoa học này và sau khi Đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề nghị UBND huyện Triệu Phong chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời công bố quy hoạch di tích Nguyễn Hoàng và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trong Nhân dân và xã hội những giá trị lịch sử, những công lao của chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đặc biệt là công lao mở cõi.

Tiếp tục phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành khai quật khảo cổ toàn diện, trên phạm vi, quy mô rộng tại dinh chúa Nguyễn và các khu vực liên quan để củng cố luận cứ khoa học, lịch sử về vị trí 3 thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát, cũng như phát hiện những vấn đề mới liên quan đến dinh chúa Nguyễn. Đồng thời có kế hoạch sưu tầm, thu thập các tài liệu, tư liệu, hiện vật, phục vụ nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu về chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Xây dựng lộ trình đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích chúa Nguyễn. Ưu tiên huy động các nguồn lực xã hội hoá và nguồn ngân sách để đầu tư một số công trình như: Đền thờ Nguyễn Hoàng để tôn vinh, tri ân, tưởng niệm, hướng đến kỷ niệm 500 năm ngày sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 - 2025).

Về lâu dài phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất đưa vào nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh để tiếp tục đầu tư các hạng mục khác theo Đồ án quy hoạch được phê duyệt. Gắn việc bảo tồn, tôn tạo di tích với việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng của huyện để phát huy giá trị di sản trong phát triển KT-XH, tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đặc biệt, tiếp tục tranh thủ sự tham vấn, góp ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ, cũng như công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong xứng tầm với công lao mở cõi phương Nam và tầm vóc của chúa Tiên Nguyễn Hoàng đối với lịch sử dân tộc.

Hồng Hà

Các tin khác