Lấy ý kiến dự thảo quy định chi tiết Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

15:33, Thứ Hai, 27-5-2024

(Cổng TTĐT) Ngày 27/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Tham dự tại điểm cầu Quảng Trị có lãnh đạo Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội gồm 7 chương, 78 điều với các nội dung quan trọng như: Phạm vi điều chỉnh nêu rõ các điều, khoản điểm mà Luật Nhà ở 2023 giao Chính phủ quy định chi tiết; các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức thực hiện, điều khoản thi hành…

Dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa 18 nội dung của Luật Nhà ở 2023 giao Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành vẫn đang thực hiện hiệu quả và tiếp thu, sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm Nghị định này chỉ quy định các nội dung mà Luật giao, là cơ sở pháp lý để các địa phương, doanh nghiệp thực hiện thống nhất trên cả nước, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trong thời gian qua.

Tại cuộc họp, các đại biểu bộ ngành, các chuyên gia, các địa phương đã rà soát, thảo luận, góp ý về các vấn đề còn nhiều ý kiến trong dự thảo Nghị định. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ thêm về chính sách tín dụng ưu đãi, diện tích, hệ số sử dụng đất tối thiểu đối với nhà ở xã hội riêng lẻ; quy định thêm trách nhiệm thẩm định của cơ quan quản lý Nhà nước đối với nghĩa vụ xây nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại; xem xét lại quy định bố trí quỹ đất trong khu công nghiệp để làm nhà lưu trú cho công nhân…

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Nghị định trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội; làm rõ các tiêu chí về nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án nhà ở xã hội; hình thành cơ chế hậu kiểm trong thanh tra, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội; bổ sung chế định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội…

Tiến Nhất

Các tin khác