Loài và nguồn gen

9:20, Thứ Ba, 1-12-2020

Quảng Trị là một trong những địa phương có nhiều dạng sinh cảnh, là nơi cư ngụ cho nhiều loài động vật đặc hữu, quý hiếm. Để bảo tồn ĐDSH, đa dạng về loài và nguồn gen tỉnh Quảng Trị đã thành lập 02 KBTTN là Đakrông và Bắc Hướng Hóa, 01 KBT biển đảo Cồn Cỏ.

KBTTN Đakrông có diện tích 37.681 ha, nằm về phía Nam của huyện Đakrông. Ở đây có số lượng ĐDSH cao với 4 loại rừng kín thường xanh; Khu hệ động vật có 333 loài; Có 1.452 loài thực vật bậc cao trong đó có 1.052 loài có ích chiếm 72,48%; 26 loài thú bị đe doạ ở cấp độ quốc gia và quốc tế như Chà vá chân nâu, Vượn trung bộ, Mang lớn, Bò tót, Thỏ văn, Cu li nhỏ, Gấu ngựa, Gấu chó, Mèo gấm; 07 họ trong 43 họ chim có số lượng loài lớn (n>10) như họ Quạ - Corviadae; Họ Đớp ruồi - Muscicapidae, Họ Chim chích - Sylviidae, Họ hút mật - Nectariniidae. Lưu giữ, bảo quản mẫu vật di truyền, đánh giá nguồn gen, quản lý thông tin về nguồn gen, bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen: Đã thực hiện lưu giữ các mẫu động vật, thực vật rừng có trong KBTTN gồm: 230 mẫu thực vật, 12 mẫu động vật [23].

KBTTN Bắc Hướng Hoá có diện tích 23.456 ha, là khu vực duy nhất của Việt Nam có cả Đông và Tây Trường Sơn với dãy núi cao trên 1.000 m với các đỉnh cao điển hình như: Động Sa Mù (1.550 m), gần đỉnh đèo Sa Mù và Động Voi Mẹp. KBT là nơi sinh sống của các loài ĐTV có ý nghĩa bảo tồn quốc tế với 11 loài được có tên trong sách đỏ thế giới, 5 loài nguy cấp: Voọc Hà Tĩnh, Chà vá chân nâu, Vượn đen má trắng, Gấu ngựa và Sao La; 6 loài thuộc loại sắp nguy cấp là Têtê Java, Khỉ mặt đỏ, Rối cá vuốt bộ, Mang lớn, Bò tót, Sơn Dương. Khu vực còn có nhiều cảnh quan đẹp như: động Brai, đường Hồ Chí Minh đi ngang khu rừng nguyên sinh, Núi Voi Mẹp được mệnh danh là “Nóc nhà Quảng Trị” [23].

KBT biển đảo Cồn Cỏ có diện tích 4.532 ha, được đánh giá là một trong những vùng có mức độ ĐDSH cao của Việt Nam, với sự có mặt của nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới bao gồm: Hệ sinh thái rạn san hô với 113 loài san hô đang phát triển tốt trên tổng diện tích 274 ha; HST thảm cỏ biển với 57 loài cỏ, rong biển; HST bãi triều đá cuội - sỏi với diện tích 28,2 ha trong đó có 09 loài rong, 46 loài động vật đáy; HST bãi triều quanh đảo với diện tích 20 ha với 15 - 20 loài giáp xác, nhuyễn thể và rong biển. Đây còn là khu vực tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao và đặc hữu của vùng biển Trung Bộ. HST rừng 3 tầng trên đảo là HST rừng khá hiếm của đảo núi lửa ở Việt Nam vẫn được giữ gìn và bảo vệ tốt.

Qua kết quả điều tra, tại KBTTN Đakrông có 70 loài thực vật, 96 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; KBTTN Bắc Hướng Hoá có 59 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; KBT biển đảo Cồn Cỏ có 05 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Các tin khác