Tai biến thiên nhiên

9:33, Thứ Ba, 1-12-2020

            Quảng Trị là một trong những tỉnh duyên hải miền Trung có đặc điểm về khí hậu và địa hình rất phức tạp, chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam, nhưng với tần suất cao hơn và mức độ tác động lớn như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, lũ quét, dông, sét, sụt lún đất, gió mùa, xâm nhập mặn, triều cường. Đặc biệt là bão, lũ lụt, lốc xoáy, sạt lở đất, sạt lở bờ sông gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội. Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai trong 5 năm qua là 2.228,2 tỷ đồng, làm 13 người chết, 41 người bị thương [1].

8.3.1. Bão, lũ lụt

Trong giai đoạn 2015 - 2019, tỉnh Quảng Trị phải gánh chịu trực tiếp và gián tiếp 12 cơn bão, 18 đợt lũ lụt lớn, vừa và nhỏ gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Lũ lụt là hiện tượng thiên tai xảy ra khá phổ biến trên địa bàn Tỉnh, đặc biệt đối với những địa phương có địa hình thấp, thuộc các vùng trũng. Năm 2016, 2017 có số đợt lũ khá lớn, lần lượt là 7 đợt và 8 đợt.

Bảng 8.3.1. Số cơn bão, lũ lụt ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 - 2019

TT

Năm

Số cơn bão

Số đợt lũ lụt

Ảnh hưởng trực tiếp

Ảnh hưởng gián tiếp

Lớn

Vừa và nhỏ

1

2015

0

1

0

2

2

2016

2

1

2

5

3

2017

2

1

2

6

4

2018

1

2

0

1

5

2019

1

1

1

0

Nguồn: [1].

cho cam lo.jpg

b2.jpg

Hình 8.3.1. Lũ lụt tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tháng 11/2016

8.3.2. Hạn hán và gió phơn Tây Nam khô nóng

Ngoài bão và lũ lụt, tỉnh Quảng Trị còn chịu ảnh hưởng lớn bởi gió Tây Nam khô nóng từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, trong đó tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 6. Gió mạnh, nắng nóng làm tăng lượng bốc hơi, giảm độ ẩm, làm cạn nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân. Tính trung bình cho các năm hạn vừa, có khoảng 30 đến 40 xã có diện tích các loại cây trồng bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nước tưới.

Mặt khác, nắng nóng kéo dài gây hạn nặng, kết hợp mặn xâm nhập sâu vào đất liền gây tổn thất nặng nề trong sản xuất và thiếu nước sinh hoạt; Làm các hồ đập, sông ngòi và các công trình thủy lợi trên địa bàn Tỉnh bị khô kiệt. Đến tháng 7 năm 2020, nhiều hồ có mực nước thấp như hồ La Ngà: 16,41%, hồ Bảo Đài: 15,59 %, hồ Triệu thượng 1: 22,0%, hồ Nghĩa Hy: 26,84 %, hồ Kinh Môn: 26,10%, hồ Trúc Kinh: 28,52%, hồ Hà Thượng: 33,02%, hồ Ái Tử: 28,10 %. Một số lưu vực sông, mực nước cạn kiệt: Sông Cánh Hòm tại đập ngăn mặn Xuân Hòa: - 1,12m; Tại đập ngăn mặn Mai Xá: - 0,6 m (thấp nhất trong 10 năm trơ lại đây); Sông Vĩnh Phước  tại đập ngăn mặn Vĩnh Phước  - 1,37 m. Hói Sòng, Bến Lội (Trúc Kinh), kênh tiêu Tân Bích (Kinh Môn), kênh tiêu Vĩnh Sơn (La Ngà) không còn nước [14].

8.3.3. Lốc xoáy, sét

Lốc xoáy thường xảy ra đột ngột, bất ngờ, trong phạm vi hẹp, tồn tại trong thời gian ngắn và là hiện tượng thời tiết xảy ra trong tiểu vùng nên rất khó dự báo chính xác cả về thời gian, cường độ, phạm vi ảnh hưởng. Trong giai đoạn 2015 - 2019, tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng bởi 43 đợt lốc xoáy, sét và mưa đá gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Năm 2017 là năm chịu tác động lớn nhất với tần suất ảnh hưởng là 11 đợt và năm 2018 là năm chịu tác động ít nhất với tần suất ảnh hưởng là 6 đợt [1].

8.3.4. Cát bay, cát chảy

Hiện tượng cát bay xảy ra chủ yếu vào các tháng mùa khô (tháng 3 đến tháng 8) tập trung tại các cồn cát phát triển mạnh ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh. Tốc độ gió trong mùa đạt 3-5 m/s đã làm cho cát khô ở các cồn chuyển dịch từ phía biển vào nội đồng, tốc độ trung bình 2-3 m/năm gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đất, năng suất, diện tích cây trồng nơi đây.

Hiện tượng cát chảy xảy ra chủ yếu vào mùa mưa (tháng 9 đến tháng 12) với lượng mưa có thể đạt trên 600 mm/tháng đã tạo ra dòng chảy mặt tập trung trên vùng cát tập trung các xã Hải Khê, Hải An, một phần các xã Hải Dương, Hải Quế, Hải Ba của huyện Hải Lăng; Các xã Triệu Vân, Triệu Trạch, Triệu An, một phần xã Triệu Sơn của huyện Triệu Phong; Các xã Gio Việt, Gio Hải, Gio Mỹ và Trung Giang của huyện Gio Linh và các xã Vĩnh Thái và Vĩnh Tú, Vĩnh Kim, Vĩnh Trung của huyện Vĩnh Linh.

8.3.5. Sụt lở và trượt lở đất đá

Trong giai đoạn 2010 - 2014, tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ đã xảy ra 3 hố sụt lún. Đây là khu vực nằm trong vùng nguy cơ sụt lở cấp I, có nền địa chất không ổn định trong vùng tầng phủ trầm tích Đệ tứ, được lót đáy bằng tầng đá gốc chủ yếu là đá vôi, đá vôi Dolomite với mức độ hang hốc nhiều với độ sâu không lớn. Vào tháng 4 năm 2019, tại thôn Quật Xá, Cam Thành xảy ra sụt lún với đường kính 5m, sâu 3m. Nhận thấy, nguy cơ tiềm ẩn về sụt lở đất trong vùng là hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào.

Bảng 8.3.5. Mô tả các hố sụt lún xảy ra tại xã Cam Thuỷ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

TT

Hố sụt lún

Đặc điểm hố

1

Hố sụt lún tại nhà ông Lê Lương

Thời điểm xảy ra sụt lún vào ngày 25/9/2013. Hình dạng elip dài 4m, rộng 3m, sâu 5m.

2

Hố sụt lún tại vườn nhà ông Lê Là

Thời điểm xảy ra sụt lún ngày 25/11/2012. Hình dạng tròn, đường kính hố 3,2m, sâu 7m.

3

Hố sụt lún cạnh nhà ông Hoàng Ngọc Lai

Thời điểm xảy ra sụt lún ngày 27/9/2013. Hình dạng tròn, đường kính hố 1,5m, chiều sâu hơn 5m.

Nguồn: [16].

Tại đới Khe Giữa - Vĩnh Linh và đới Cam Lộ, các khảo sát phát hiện được nứt đất với quy mô lớn tại 3 khu vực dọc đới Khe Giữa - Vĩnh Linh là tại xã Vĩnh Lâm, thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh). Các khe nứt xảy ra trên địa hình tương đối bằng phẳng, trong đất đá thềm sông bở rời như ở Vĩnh Lâm, Bến Quan. Các vết nứt tạo thành dải rộng với chiều dài có nơi đến trên 500 m.

Tại các tỉnh lộ Tân Long - Lìa, Khe Sanh - Sa Trầm, Khe Sanh - Hướng Phùng và Tà Rụt - La Lay, (huyện Hướng Hoá và huyện Đakrông), thường xảy ra trượt lở vào mùa mưa lũ, đặc biệt là khu vực Tà Rụt - La Lay (Đakrông) quy mô từ trung bình đến lớn, với hàng ngàn m3 đất đá.

8.3.6. Sạt lở bờ sông, bờ biển

Tỉnh Quảng Trị có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, bao gồm 4 hệ thống sông chính là Bến Hải, Thạch Hãn, Ô Lâu và Sê Pôn - Sê Păng Hiêng; Có đường bờ biển kéo dài 75 km với 2 cửa sông chính là Cửa Tùng và Cửa Việt. Trên địa bàn thường xuyên chịu tác động từ bão lũ lụt gây sạt lở bờ sông, bờ biển ảnh hưởng đến tính mạng, sinh kế, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Giai đoạn 2015 - 2019, thời tiết diễn biến không theo quy luật, mưa lũ xảy ra thường xuyên, gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Theo thống kê của báo cáo “Cập nhật cơ sở dữ liệu phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, năm 2019” của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị trên địa bàn toàn Tỉnh có gần 125 km chiều dài sạt lở bờ sông, bờ biển chưa được xây dựng các tuyến kè chống sạt lở, trong đó có hơn 19 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 70 km sạt lở nguy hiểm [11].

31.jpg

Hình 8.3.6.1. Sạt lở đê biển tại xã Vĩnh Thạch và xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh

13e904db105ced02b44d (1)

e507badda95a54040d4b

Hình 8.3.6.2. Sạt lở hữu sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Giang và

bờ tả sông Thạch Hãn đoạn qua khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương

8.3.7. Động đất

Tại xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị vào lúc 15h30 ngày 21 tháng 12 năm 2016 xảy ra hiện tượng mặt đất tự nhiên rung lắc mạnh và chưa xác định được nguyên nhân. Thời điểm xảy ra rung lắc không gây thiệt hại về người và tài sản.

Trong giai đoạn 2010 - 2014, vào lúc 8 giờ ngày 19 tháng 11 năm 2013 tại thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã xảy ra động đất có cường độ 2,8 richter tại vị trí có tọa độ 16,523 độ vĩ Bắc - 106,875 độ kinh Đông. Trận động đất có độ sâu chấn tiêu khoảng 6,5 km, gây nên rung động trên cấp III (thang MSK 64) tại khu vực tâm chấn, đây là trận động đất yếu và không có khả năng gây thiệt hại (Trung tâm cảnh báo động đất và cảnh bão sóng thần - Viện vật lý địa cầu).

Tác động của động đất tuy chưa có thiệt hại về tài sản, con người nhưng gây ra tâm lý bất an, lo lắng cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa có nhiều thủy điện vừa và nhỏ nên rất cần thiết phải có sự theo dõi, cảnh báo động đất nhằm có phương án xử lý kịp thời khi có động đất lớn xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho các đập thủy điện.

Các tin khác