UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

9:14, Thứ Năm, 30-6-2022

          Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; ngày 15/02/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về Triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Theo đó, có 10 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện, bao gồm:

Một là: Tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư.  Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLDC) phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội. Tham gia dự thảo, hoàn thiện các văn bản quy định về Danh mục, sản phẩm được khai thác từ CSDLDC; văn bản hướng dẫn trao đổi thông tin dữ liệu giữa CSDLDC và các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương; văn bản quy định việc bảo vệ dữ liệu cá nhân; văn bản quy định việc định danh và xác thực điện tử... Phối hợp hoàn thiện, ban hành các văn bản quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí được khai thác từ CSDLDC để mở cơ chế cho phép cơ quan quản lý cung cấp dịch vụ dữ liệu dân cư cho cá nhân, tổ chức có tính phí, tạo nguồn thu để xây dựng, duy trì, quản trị và khai thác dữ liệu; bảo đảm minh bạch, an toàn và đúng pháp luật. Phối hợp xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra cán bộ sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác CSDLDC; qua việc kết nối, chia sẻ khai thác dữ liệu với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, bảo đảm đúng mục đích, đúng yêu cầu, phòng chống lộ, lọt dữ liệu. Tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên nền CSDLDC, định danh điện tử của Bộ Công an trong khuôn khổ các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia

         Hai là: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVC trực tuyến. Phối hợp thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa CSDLDC với Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDLDC. Phối hợp thực hiện triển khai, phát triển, nâng cấp hệ thống định danh và xác thực điện tử bảo đảm đáp ứng các yêu cầu tại Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng CSDLDC, CSDL căn cước công dân và CSDL quốc gia về xuất nhập cảnh. Phối hợp thực hiện kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an với Cổng DVC quốc gia phục vụ định danh, xác thực, tạo lập tài khoản điện tử của cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVC trực tuyến tại các cơ quan, sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Triển khai các DVC thiết yếu bảo đảm thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ CSDLDC. Phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, cung cấp nhóm DVC hai nhóm thủ tục hành chính liên thông: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí và các thủ tục hành chính khác có liên quan. Thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu, cập nhật, bổ sung, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả CSDLDC phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Cập nhật, chuẩn hóa danh mục tài liệu, hồ sơ thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Phối hợp triển khai theo dõi, giám sát, đánh giá các chỉ tiêu kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư từ CSDLDC phục vụ xác thực, định danh và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVC trực tuyến trên hệ thống đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của Cổng DVC quốc gia. Rà soát, tái cấu trúc quy trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa CSDLDC với Cổng DVC quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDLDC. Thực hiện việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021.

          Ba là: Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tham gia triển khai ứng dụng các tính năng của chip điện tử gắn trên thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số mạnh nhất như: Ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử...), tài chính, viễn thông, điện, nước.

         Bốn là: Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ phát triển công dân số. Tham gia thực hiện việc kết nối, chia sẻ giữa CSDLDC với các CSDL quốc gia khác, CSDL chuyên ngành theo Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tham gia cung cấp định danh, tài khoản định danh điện tử cho công dân sử dụng các dịch vụ, tiện ích số do Chính phủ, bộ, ngành xác thực và đảm bảo. Tham gia xây dựng, nâng cấp, mở rộng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin của các hệ thống CSDLDC, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Đề án.

          Năm là: Thực hiện việc kết nối, tích hợp, chia sẻ hệ thống thông tin cung cấp DVC của địa phương với CSDLDC, hệ thống định danh và xác thực điện tử với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và làm giàu CSDLDC phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

          Sáu là: Phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Tham gia thực hiện thống kê, phân tích dân số đảm bảo nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí nhà nước. Khai thác thông tin tổng hợp, phân tích từ Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư góp phần hoạch định chính sách theo yêu cầu.

         Bảy là: Bố trí nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất cho việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đánh giá thực trạng, tuyển dụng nguồn nhân lực. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động tại Kế hoạch này được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cấp hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng DVC, hệ thống thông tin một cửa điện tử của địa phương; tích hợp, cung cấp 100% các DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia.

         Tám là: Triển khai công tác chuyển đổi nhận thức và tuyên truyền, phổ biến các tiện ích, dịch vụ liên quan đến dân cư. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số trên nền tảng dữ liệu dân cư; đề xuất tái cấu trúc, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức điều hành, ra quyết định trên nền tảng sử dụng dữ liệu dân cư. Tổ chức truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như truyền hình, truyền thanh, ấn phẩm, báo chí để nâng cao nhận thức cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về tiện ích, lợi ích của các ứng dụng, dịch vụ dân cư để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh; hướng tới các ứng dụng số lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số.

         Chín là: Phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an ninh thông tin trong quá trình chuyển đổi số.

         Mười là: Thực hiện các nhiệm vụ khác của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan.

         Căn cứ nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch này; các cơ quan, sở, ban, ngành, UBND cấp huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phần việc được phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, chất lượng, hiệu quả các công việc được giao. Định kỳ hàng tháng, báo cáo kết quả tiến độ triển khai về Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh (qua bộ phận thường trực Công an tỉnh - Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội) trước ngày 15 hàng tháng để tập hợp, theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện và báo cáo tiến độ kết quả thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao về Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an.

Các tin khác