Phấn đấu đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên hưởng chính sách người có công với cách mạng

20:2, Thứ Sáu, 29-9-2023

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam vừa ký ban hành Công văn số 4955/UBND-KGVX ngày 28/9/2023 gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc chỉ đạo xóa hộ nghèo có thành viên hưởng chính sách người có công với cách mạng.

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng; tập trung huy động và bố trí các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi là hộ nghèo người có công). Các nguồn lực được huy động đã được ưu tiên để hỗ trợ hộ nghèo người có công cải thiện tiêu chí thu nhập và các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; nên có nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Đến cuối năm 2020, tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 thì trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo người có công.

Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, trên địa bàn tỉnh còn có 218 hộ nghèo người có công với 929 nhân khẩu. Số hộ nghèo người có công hầu hết tập trung tại các huyện miền núi của tỉnh (Hướng Hóa: 145 hộ với 634 nhân khẩu; Đakrông có 62 hộ với 269 nhân khẩu).

Quán triệt nguyên tắc của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng: "Bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú"; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho hộ người có công, phấn đấu đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo người có công (không tính hộ nghèo người có công không có khả năng thoát nghèo, là những hộ không có người nào có khả năng lao động tạo thu nhập), UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Rà soát, điều tra điều kiện, hoàn cảnh, xác định nguyên nhân nghèo để xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra giải pháp thực hiện quyết liệt phù hợp với từng hộ gia đình. Trên cơ sở đó, chỉ đạo UBND cấp xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cán bộ, đảng viên và thành viên Ban Quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã theo dõi, triển khai các nội dung hỗ trợ của kế hoạch.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương xóa nghèo cho hộ nghèo người có công; tập trung phổ biến, đối thoại trực tiếp để hộ nghèo nắm được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tự giác phát huy trách nhiệm của bản thân, nội lực của gia đình, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện kế hoạch thoát nghèo. Nhà nước và cộng đồng xã hội chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết, còn gia đình cần phải nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo người có công vượt qua mức sống tổi thiểu, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận các chỉ số/ dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

Đối với hộ nghèo người có công không có khả năng thoát nghèo: địa phương lập danh sách, nêu rõ hoàn cảnh cụ thể của từng hộ gia đình và thực hiện các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội phù hợp: nhà ở, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phương tiện nghe, xem, trợ cấp hằng tháng từ nguồn vận động xã hội và từ nguồn ngân sách nhà nước (nếu có).

Đối với hộ nghèo người có công có khả năng thoát nghèo (có điều kiện vốn, đất đai, lao động…): địa phương lập danh sách và phân công cán bộ trực tiếp khảo sát đặc điểm, các điều kiện sống của hộ gia đình, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chủ hộ và các thành viên có khả năng lao động về nhu cầu cần hỗ trợ để thực hiện kế hoạch thoát nghèo; đồng thời, lập hồ sơ quản lý cho từng hộ, làm cơ sở xây dựng kế hoạch hỗ trợ của địa phương.

Tập trung ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác trên địa bàn có nội dung thực hiện phù hợp để hỗ trợ cho hộ nghèo người có công cải thiện tiêu chí thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản (tập trung cho nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và thông tin). Đối với dịch vụ xã hội về nhà ở, nước sạch - vệ sinh và thông tin, đề nghị UBND cấp xã ưu tiên hộ nghèo người có công được hỗ trợ theo Đề án 197/ĐAUBMT-MTTQ “Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026”, kết hợp với nguồn vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng, sửa chữa nhà ở, làm công trình vệ sinh, công trình nước sạch theo các chương trình cho vay hiện nay của Nhà nước.

Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và giải quyết nhu cầu vay vốn của hộ nghèo chính sách người có công để tạo việc làm và thu nhập. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để trợ giúp cho hộ nghèo có cuộc sống ổn định;

Tăng cường huy động xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực và ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ thực hiện kế hoạch xóa nghèo cho hộ nghèo chính sách người công. Phát huy phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ xóa nghèo thông qua cuộc vận động gây Quỹ Ngày vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ cứu trợ của các cấp các ngành, các phong trào hỗ trợ hộ nghèo của hội, đoàn thể; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động thiện nguyện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; chủ động tiếp cận các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp để vận động hỗ trợ cho các hộ nghèo. Tăng cường phối hợp để lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực huy động trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo.

Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh:

Các sở, ban ngành cấp tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình được phân công trong việc thực hiện các dự án thành phần thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi) để thực hiện hỗ trợ hiệu quả các hộ nghèo nói chung và ưu tiên hộ nghèo người có công nói riêng vươn lên thoát nghèo.

Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện tốt Chương trình phối hợp với các tổ chức, đoàn thể nhân dân các cấp (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…) trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022- 2025. Các tổ chức đoàn thể nhân dân chỉ đạo, phân công từng chi đoàn, chi hội theo dõi, giúp đỡ từng hộ nghèo người có công có chủ hộ là Hội viên đoàn thể của mình một cách cụ thể, thiết thực để vươn lên thoát nghèo.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội, đoàn thể cấp tỉnh: Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội, đoàn thể cấp dưới, đặc biệt cấp cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên, toàn dân tích cực hưởng ứng, tham gia Quỹ “Vì người nghèo” ở các cấp trong tỉnh; Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững nhằm đạt kết quả cao nhất. Các đoàn thể nhân dân tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được, tích cực giúp đỡ các hội viên, đoàn viên thuộc hộ nghèo của tổ chức mình trong việc tiếp cận, thụ hưởng các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi với hộ nghèo và triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “đỡ đầu hộ nghèo” để trực tiếp hỗ trợ các hội viên, đoàn viên vượt khó, vương lên thoát nghèo bền vững.

Xem chi tiết

Các tin khác