Xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu

9:19, Thứ Năm, 30-6-2022

Sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin mang lại nhiều cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị quốc gia, thực thi công lý trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại kỹ thuật số đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hiệu quả hoạt động của tòa án. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 tại nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, kéo dài, do thực hiện các đợt giãn cách xã hội, một số nguyên đơn, bị đơn bị áp dụng các biện pháp cách ly y tế, dẫn đến nhiều toà án không thể đưa vụ án ra xét xử theo đúng thời gian luật định. Việc này làm ảnh hưởng chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Dưới tác động của những yếu tố chủ quan và các yếu tố khách quan đó, Toà án Nhân dân Tối cao đã chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết về Tổ chức phiên toà trực tuyến trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

TAND tỉnh Quảng Trị tổ chức xét xử lưu động vụ án Hồ Văn Cường ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: TA

 Tại Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong phiên họp  ngày 23/10/2021, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết Tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo đó tại tờ trình Dự thảo Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến, mục đích tổ chức phiên tòa nhằm: Bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan; tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí xã hội; tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử. Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là một nội dung quan trọng thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của hầu hết đại biểu Quốc hội khi thảo luận. Ngày 12/11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

  Theo đó, Nghị quyết Tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 với các nội dung chính sau đây:

          - Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm;

          -  Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự;

          - Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

          Tuy nhiên, đây là phương thức tố tụng mới trên nền tảng số, do đó để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả, chất lượng xét xử cần thực hiện thí điểm, triển khai trên từng địa bàn, có đầu tư thỏa đáng về trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại để bảo đảm chất lượng phiên tòa, nhất là ở cấp huyện. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành thông tư, các văn bản hướng dẫn ngay khi Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực truyến có hiệu lực thi hành. Đối với vụ án hình sự, việc chuyển sang hình thức xét xử trực tuyến là cần thiết nhưng vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản và trình tự thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, trong đó vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi xét xử trực tuyến phải được chú trọng một cách đặc biệt.     

          Tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 và cũng nằm trong lộ trình xây dựng Toà án điện tử. Việc Nghị quyết Tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 là một trong những cơ sở bước đầu đóng vai trò quan trọng để ngành Tòa án sớm tổ chức xét xử trực tuyến với nhiều loại án khác nhau, góp phần đạt yêu cầu cam kết xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025 theo Nghị quyết của Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN mà Việt Nam là nước thành viên. 

Các tin khác