Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản

9:21, Thứ Năm, 30-6-2022

          Xuất bản số đang dần trở thành xu thế tất yếu của ngành xuất bản. Tuy nhiên, xuất bản sách trong kỷ nguyên số đặt ra nhiều vấn đề về sự tương thích giữa các khâu trong hoạt động xuất bản, về trình độ nguồn nhân lực, về tính pháp lý của các thỏa thuận hợp tác, về vấn đề bản quyền...

Diễn giả Nguyễn Hữu Thái Hòa trình bày chuyên đề về khởi nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 (tổ chức tại Quảng Trị) - Ảnh: Thành Dũng

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), do tác động của dịch Covid-19, các chỉ số về sản lượng, doanh thu của hoạt động xuất bản năm 2020 và 2021 đều giảm. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ được các nhà xuất bản đẩy mạnh. Năm 2020, số lượng nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử đã tăng 50%, lên 9 đơn vị. Các đơn vị xuất bản, phát hành, phân phối sách cho rằng, chuyển đổi số là con đường giúp họ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Điển hình như Hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam năm 2020, có đến 51% số bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa mua sách, đáp ứng được mong mỏi của nhiều đối tượng độc giả. Theo Công ty cổ phần Waka, đơn vị hiện có 3,2 triệu người đọc trên các nền tảng ứng dụng, doanh thu tăng trưởng hơn 40% trong năm 2020.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện xuất bản điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản còn chậm, chưa có sự bứt phá. Điều này cho thấy trong quá trình chuyển đổi số, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực rất quan trọng.

           Việc ứng dụng các kỹ năng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, vận hành quy trình xuất bản thực sự vượt ra khỏi những hình dung vốn có về nhiều công việc của một nhà xuất bản truyền thống (chế bản, biên tập, in ấn và phát hành)... Do vậy, việc tổ chức nghiên cứu, nhận diện các yêu cầu, thách thức và giải pháp mang tính “nền tảng” của quá trình chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà xuất bản. Trên cơ sở chung, mỗi nhà xuất bản sẽ phải cân nhắc, lựa chọn số hóa bắt đầu từ khâu nào, gắn với việc xác định phạm vi, cách thức và lộ trình chuyển đổi số các xuất bản phẩm một cách cụ thể, phù hợp.

           Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên, để thúc đẩy chuyển đổi số, trước hết các đơn vị xuất bản phải thay đổi nhận thức, đây là điều tất yếu mà các nhà xuất bản buộc phải thực hiện. Muốn thực hiện được chuyển đổi số hiệu quả, mỗi nhà xuất bản phải xây dựng định hướng, chiến lược, bước đi phù hợp để vừa có thể bắt kịp yêu cầu của cơ chế thị trường, tận dụng nền tảng công nghệ số, vừa không ngừng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, bảo đảm phát triển bền vững gắn với từng khâu, từng công đoạn của công tác xuất bản trong giai đoạn hiện nay.

          Về mặt quản lý, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng các giải pháp chuyển đổi số. Trong đó, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ xây dựng chính sách đầu tư khuyến khích cho xuất bản điện tử phát triển; cùng với giải pháp tuyên truyền về bảo vệ bản quyền, phải có chế tài mạnh mẽ hơn đối với hành vi vi phạm bản quyền. Mặt khác, Nhà nước sẽ đầu tư nguồn lực cho một số nhà xuất bản, đơn vị trọng điểm để phát triển.

          Về mục tiêu chuyển đổi số, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) xác định, đến năm 2025 đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử lên 15% số tựa sách được xuất bản hằng năm; doanh thu xuất bản điện tử đạt mức 8-10% tổng doanh thu toàn ngành; tạo điều kiện để 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử; từng bước hình thành chuỗi kết nối giá trị, đưa xuất bản phẩm đến bạn đọc bằng hình thức trực tuyến.

          Hàng năm, thực hiện Quyết định số 248/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Sách Việt Nam” và Kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam hàng năm của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Quảng Trị tổ chức Ngày Sách Việt Nam 6 lần. Trong đó năm 2019, để Ngày Sách Việt Nam thêm phần phong phú về nội dung cũng như mở rộng hiểu biết về sách thực tế ảo, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị đã mời nhà báo Bùi Dũng đến từ Hà Nội cùng tham gia với vai trò diễn giả tại buổi giới thiệu sách thực tế ảo với chủ đề “Đọc sách, xem phim thời 4.0” thu hút nhiều học sinh, đoàn thanh niên tham gia. Tỉnh Quảng Trị cũng đã phối hợp với Công ty cổ phần sách Alpha (Alpha Books) tổ chức buổi nói chuyện về Chuyển đổi số trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (giới thiệu sách về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chuyển đổi số); tham mưu công văn gửi các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tuyên truyền Hội sách trực tuyến chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 vừa qua. Bên cạnh đó dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trong cấp phép lĩnh vực Xuất bản ở Quảng Trị luôn được quan tâm, thúc đẩy.

Các tin khác